Yếu tố văn hóa truyền thống trong xây dựng mô hình phát triển du lịch bền vững - Kinh nghiệm từ Trung Quốc

3. Phân tích điểm mạnh và điểm yếu của mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa tại làng cổ của dân tộc thiểu số ở Vân Miêu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bài học cho Việt Nam

Mô hình du lịch cộng đồng ở Vân Miêu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Vân Nam là một tỉnh ở phía Tây Nam của nước Trung Quốc, giáp biên giới với các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang của Việt Nam. Vào cuối năm 1999, tổng dân số của tỉnh Vân Nam là 41,92 triệu người, trong đó nhóm các dân tộc thiểu số đạt 13,95 triệu người (11). Năm 2018, Vân Nam là tỉnh đông thứ 12 về số dân với 48 triệu dân, đứng thứ 30 về kinh tế của Trung Quốc (12). Vân Nam có chỉ số GDP đầu người xếp thứ 30 Trung Quốc, đạt 37.160 NDT (tương ứng với 5.612 USD) (13). Vân Nam có diện tích 394.100km2, chiếm 4,1% tổng diện tích Trung Quốc, thủ phủ của tỉnh này là thành phố Côn Minh. Tỉnh Vân Nam có đường biên giáp với tỉnh Lào Cai (Việt Nam), Lào và Myanmar - với nhiều danh thắng nổi tiếng như Thạch Lâm, Cửu Hương, Côn Minh… nhưng độc đáo hơn cả là 2 thành cổ: Đại Lý và Lệ Giang. Vân Nam là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp như: những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng, hệ sinh thái đa dạng phong phú, hồ nước xanh như ngọc.

Vân Nam đáng chú ý vì sự đa dạng sắc tộc cao. Tỉnh này có nhiều dân tộc hơn tất cả các tỉnh và khu tự trị khác của Trung Quốc với 25 dân tộc thiểu số trong số 56 dân tộc được công nhận tại Trung Quốc. Khoảng 38,07% dân số trong tỉnh này là các nhóm sắc tộc thiểu số như người Di, Bạch, Cáp Nê (Hà Nhì), Tráng (Choang), Thái, Miêu (Mông), Lật Túc, Hồi, Lạp Hỗ (La Hủ), Ngõa (Va), Nạp Tây, Dao, Tạng, Cảnh Pha, Bố Lãng, Phổ Mễ, Nộ, A Xương, Cơ Nặc, Mông Cổ, Độc Long, Mãn, Thủy và Bố Y, cùng một số dân tộc khác.

Tỉnh Vân Nam đã thành công trong xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) gắn với các yếu tố văn hóa truyền thống có các đặc trưng tiêu biểu:

DLCĐ được xây dựng trên cơ sở ưu thế là có cảnh quan, không gian, vị trí địa lý bản làng đẹp; vừa có núi, có biển, nhà sàn, địa hình thuận lợi. Có nguồn thủy, hải sản phong phú.

Mô hình có sự kế thừa từ những mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch trước đó tại bản làng ở Vân Miêu, từ những doanh nhân ở nơi khác đến. Người bản địa được thừa hưởng và kế thừa các cơ sở vật chất đó. Khó khăn của mô hình này là tìm người quản lý các cơ sở dịch vụ du lịch đó như: quán cafe, xưởng thêu, nhuộm, xưởng đục gỗ, cửa hàng hoa quả sạch… đều cần người điều hành quản lý chuyên nghiệp. Mà người bản địa vừa lớn tuổi, không cập nhật khoa học kỹ thuật, thông tin mới, vừa là người nông dân thuần chất, rất khó để áp dụng nguyên tắc quản lý vào điều hành công việc. Thói quen tùy tiện của một số nhân viên làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ nói chung.

Bộ máy vận hành cũng gặp khó khăn do sự thiếu đồng bộ giữa các bộ phận điều hành. Người dẫn đầu có tư duy nhạy bén, nhưng khi áp dụng vào các cấp bậc thì khó thể hiện được tính thực tiễn, vì yếu tố con người và tình thân, mức độ quen biết và sự cả nể đã phần nào kìm hãm sự phát triển. Tư duy của nhân viên là làm theo công điểm, không thể hiện được tính chuyên nghiệp trong từng hành động nhỏ. Trở lại câu chuyện tìm người quản lý chuyên nghiệp, khi đó, người quản lý sẽ đặt ra nguyên tắc hoạt động và cô đọng lại thành cuốn sổ tay làm việc cho các nhân viên lớn tuổi, áp dụng rõ ràng hình thức khen thưởng hay xử phạt, góp phần khuyến khích nhân viên làm việc tập trung và đúng chức trách hơn.

Xây dựng mối quan hệ cộng tác lâu dài với chính những du khách ở xa tìm đến nghỉ dưỡng lâu dài, vì các lý do khác nhau, lựa chọn ở lại từ 2-3 tháng trở lên. Sau đó, một số du khách nhiệt tình đã trở thành những cộng tác viên, tình nguyện viên giúp đỡ điều hành công việc tại mô hình DLCĐ ở Vân Miêu. Họ làm không hưởng lương, hoặc chỉ cần đáp ứng nhu cầu ba bữa ăn hằng ngày theo thỏa thuận của hai bên. Quan trọng là cảnh vật, con người bản địa dễ mến ở nơi đây đã thuyết phục họ ở lại, tham gia vào quá trình xây dựng bản làng theo mô hình DLCĐ chuyên nghiệp để phục vụ khách du lịch ở xa đến nghỉ ngơi, hưởng thụ các dịch vụ một cách chất lượng và thoải mái hơn.

Thời gian tham quan và lưu trú đa dạng các hình thức, từ ngắn hạn đến dài hạn. Một số khu nhà cổ hoặc nhà sàn được sửa sang lại để đón du khách, có phòng cho khách thuê từ 2 đến 3 tháng trở lên, phù hợp với du khách từ xa đến, nghỉ ngơi, thư giãn trong thời gian dài. Du khách có thể sống gắn bó như người bản địa, họ cùng hòa nhập, chứng kiến và tham gia trải nghiệm những hoạt động hằng ngày tại bản làng. Ngoài ra, các dịch vụ tham quan, chụp ảnh, uống cà phê và mua quà lưu niệm vẫn được du khách lưu tâm khi đến ngắn ngày. Loại hình này dành cho du khách ở gần khu vực hoặc các du khách kết hợp lịch trình tham quan với các điểm du lịch lân cận khác.

Mô hình DLCĐ chỉ vận hành hiệu quả khi có sự kết hợp của người bản địa và du khách ở lâu dài, sẵn sàng trở thành một phần của bộ máy quản lý. Người bản địa am hiểu phong tục, văn hóa và sáng tạo các sản phẩm truyền thống. Du khách đến như người trải nghiệm, đóng góp ý kiến và xây dựng các hoạt động, cải tiến mô hình cho hoàn thiện, tốt đẹp hơn, thông qua các đánh giá, phiếu khảo sát ở điểm tham quan.

Bản DLCĐ ở Vân Miêu, huyện Vân Nam, Trung Quốc vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc, đồng thời để tạo dựng mô hình DLCĐ thì vẫn cần có bản sắc của từng cá nhân trong tổng thể hài hòa đó. Mỗi cá nhân với cá tính và sự sáng tạo của họ, giúp truyền cảm hứng tích cực, góp phần làm nên được bản sắc chung của bản làng. Đó là mối quan hệ liên kết chặt chẽ, thống nhất, từ ý tưởng thành lập cơ sở, vận hành, truyền thông, tuyên truyền, tạo ra sản phẩm như ý, bán sản phẩm, thu hút khách hàng và có phản hồi, đánh giá đa chiều từ khách hàng. Đó là quá trình vận hành đáng mong đợi của mô hình DLCĐ nơi đây. Nhưng trên hết đó là sự đoàn kết, gắn bó của những con người thân thiện, dễ mến, cởi mở và hòa đồng.

Không gian trải nghiệm văn hóa cho du khách và người bản địa sự thoải mái, thưởng thức, thư giãn, truyền cảm hứng đến tất cả mọi người. Đó là sức mạnh vô hình của mô hình DLCĐ theo hướng phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, lan tỏa văn hóa tích cực đến không gian, môi trường và cuộc sống của những người xung quanh.

Phương thức truyền thông quảng bá thông qua xây dựng video clip phim ngắn, bằng các cảnh quay đời thực, góc nhìn chân thực và đẹp mắt. Nhân vật trong các video clip phim đó có thể là những người dân của bản làng, họ làm việc hăng say với niềm vui trong lao động... khiến người xem muốn ngay lập tức đi đến và cùng trải nghiệm với cảnh quan ở nơi này.

Dịch vụ trải nghiệm ăn uống tinh tế kết hợp với các khu vực nông trại đa sắc màu, dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Món ăn thực dưỡng tại nơi ăn uống tịnh tâm, cần đặt trước, tuy không nhiều khách, nhưng mỗi du khách sẽ thỏa mãn tối đa các cảm giác về gia vị, bắt mắt và ngon miệng.

DLCĐ thể hiện mặt trái của sự phát triển đó là tốc độ phát triển càng nhanh, thu hút đông du khách thì càng gây ra ô nhiễm môi trường. Một số cư dân bản địa, chủ sở hữu di sản văn hóa họ có suy nghĩ riêng, không phối hợp, hợp tác với chính quyền thôn bản trong việc quyên góp, cho thuê tài sản cá nhân thành tài sản của cộng đồng: như ngôi nhà cổ không cho thuê để làm nhà sách, thư viện công cộng…

Vấn đề đặt ra với các khu vực DLCĐ về sức tải và sức chứa, khi lượng du khách tăng lên trong cùng một thời điểm, gây ra các sức ép lên dịch vụ ăn, uống, vui chơi, điểm check in, tham quan… Khi dịch vụ của cơ sở DLCĐ không đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch đến trải nghiệm, sẽ gây ra nhiều hệ lụy về xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, đánh giá của du khách về điểm đến.

 Bên cạnh mô hình DLCĐ ở Vân Miêu, Trung Quốc đáng để chúng ta suy ngẫm và học hỏi, các ngành công nghiệp văn hóa cũng đồng thời song hành và phát triển, như: nghề chạm khắc gỗ, thiết kế mỹ thuật, dệt, nhuộm vải… dịch vụ cà phê và âm nhạc, giao thông và vận chuyển hàng hóa.

Bài học cho Việt Nam

Tính đến tháng 12-2022, Việt Nam có 32 di sản được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản thế giới, trong đó có 29 di sản văn hóa (bao gồm 5 di sản văn hóa vật thể và 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu). Ngoài ra, Việt Nam còn có hàng ngàn di sản cấp quốc gia, cấp thành phố… Để phát triển du lịch di sản văn hóa Việt Nam, Chính phủ nói chung và ngành Du lịch nói riêng cần xây dựng có hệ thống chính sách phát triển du lịch di sản văn hóa phù hợp, bao gồm chính sách dài hạn và chính sách ngắn hạn, đồng thời, được thực hiện trong chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch quốc gia.

Hiện nay, hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở các địa phương đã và đang phát huy được vai trò tham gia tích cực của cộng đồng nhân dân. Một nền du lịch bền vững thì người dân phải được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương.

Bản sắc văn hóa làm nên sức hút của DLCĐ

Thực tế phát triển loại hình DLCĐ ở nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua đã chứng minh, điểm quan trọng nhất làm nên sức hấp dẫn của loại hình du lịch này chính là bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc bản địa. Du khách thập phương tìm đến với những bản DLCĐ trước hết là để được trải nghiệm, được khám phá những gì thuộc về văn hóa truyền thống trong sinh hoạt đời sống, trong lao động sản xuất của dân.

Ở tỉnh miền núi Hòa Bình, Việt Nam đang có sự dịch chuyển dần của khách du lịch từ các bản DLCĐ có nhiều công trình “cách tân” đến những điểm du lịch còn giữ được bản sắc văn hóa. Điển hình như ở huyện Mai Châu, nếu như du khách tại một số địa điểm như bản Văn, bản Lác, bản Pom Coọng đang có xu hướng giảm dần, thì ở những điểm du lịch còn tương đối hoang sơ, nguyên vẹn nét truyền thống tại các xã Bao La, Ba Khan, Thung Khe, Xăm Khòe, Piềng Vế… lượng khách tìm đến lại dần tăng lên.

Sự liên kết với các tổ chức phi chính phủ ngoài nước để xây dựng mô hình DLCĐ ở trong nước

Action on Poverty (AOP) là một tổ chức phi chính phủ Úc độc lập và phi tôn giáo, có trụ sở tại Sydney Úc. AOP bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1989 và là tổ chức phi chính phủ đầu tiên của Úc mở văn phòng đại diện tại Việt Nam vào năm 1996. Đây là một tổ chức đã hỗ trợ cho người dân ở Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình làm DLCĐ và đã bước đầu có những thành công.

AOP tại Việt Nam bắt đầu triển khai các dự án phát triển tại huyện Đà Bắc từ năm 2011 tập trung vào lĩnh vực sinh kế bền vững. Trong hơn 10 năm hoạt động tại Đà Bắc (từ 2011-2022), AOP đã tích lũy những hiểu biết về địa bàn, kinh nghiệm triển khai hoạt động, cũng như mối quan hệ tốt đẹp với người dân và chính quyền địa phương. Năm 2014, AOP đã triển khai Dự án DLCĐ tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình thuộc khuôn khổ Chương trình Nâng cao năng lực về kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào các xã tái định cư từ lòng hồ sông Đà.

Xuất phát từ việc nhận ra những tài nguyên du lịch tại địa phương, AOP đã nghiên cứu về các mô hình du lịch và xác định DLCĐ là hướng đi phù hợp. Nhóm dự án đã làm việc với cộng đồng, chính quyền để chọn ra những hộ tích cực, tiềm năng tham gia các tổ nhóm dịch vụ. Các hộ homestay và các tổ nhóm được AOP cung cấp vốn vay để cải tạo nhà lưu trú và mua sắm các trang thiết bị.

Năm 2017, AOP thiết lập doanh nghiệp xã hội Đà Bắc CBT để quản lý mô hình tại Đà Bắc. Sau 6 năm triển khai, DLCĐ Đà Bắc đã đạt được một số kết quả: thu hút hơn 10.000 khách du lịch trong nước và quốc tế; tạo việc làm và thu nhập cho 184 thành viên (65% nữ) trong 142 hộ gia đình tham gia trực tiếp vào DLCĐ, chiếm 60% tổng số hộ gia đình của bốn xóm và ba xã triển khai mô hình DLCĐ tại Đà Bắc; tạo ra tổng thu nhập hơn 5 tỷ đồng (năm 2017- 2020); trung bình mỗi hộ gia đình có thu nhập 5-16 triệu đồng mỗi tháng từ việc cung cấp dịch vụ du lịch (14). DLCĐ được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện Đà Bắc và tỉnh Hòa Bình. Là một trong ba mô hình DLCĐ được trao giải thưởng ASEAN về DLCĐ năm 2019, Doanh nghiệp xã hội Đà Bắc CBT được trao cúp đồng Én Xanh 2019 - vinh danh các sáng kiến kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững. Điểm DLCĐ Đá Bia (Tiền Phong) thu hút nhiều du khách quốc tế. Dự án DLCĐ đã tạo việc làm cho phụ nữ địa phương.

DLCĐ đã trở thành một trong những sinh kế thành công nhất tại Đà Bắc, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương. Đây là một mô hình hiệu quả trong việc gắn kết người dân, chính quyền và doanh nghiệp; hỗ trợ các sinh kế phụ trợ cùng phát triển; tăng sự tự tin của người dân, đặc biệt là phụ nữ. Hiện nay, AOP đã cùng các đối tác địa phương nhân rộng mô hình DLCĐ tới các địa phương khác tại tỉnh Hòa Bình.

Bài học giúp cho Việt Nam xây dựng mô hình phát triển du lịch bền vững

Thứ nhất, để phát triển DLCĐ một cách có hiệu quả cần có sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội và nhân dân trong đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kết hợp đầu tư theo chiều sâu tại các điểm DLCĐ đã được công nhận như: hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho người dân.

Thứ hai, việc phát triển DLCĐ không nên làm ồ ạt, làm theo phong trào, mà cần có sự chuẩn bị bài bản, nhất là công tác tìm hiểu thị trường khách, quảng bá và các điều kiện phục vụ du khách. Phải thay đổi tư duy làm DLCĐ, DLCĐ phải làm cho du khách có cảm giác như “về nhà”.

Thứ ba, cần nhận thức rõ quá trình phát triển DLCĐ phải kết hợp hài hòa giữa việc tổ chức, sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch và tham gia tiêu dùng du lịch; đồng thời, DLCĐ vừa phải đạt tới mục đích bảo tồn, tái tạo và phát triển tài nguyên tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ tư, để phát triển DLCĐ có hiệu quả, cần hướng tới tư duy sáng tạo, không chỉ theo kiểu thôn/ làng có gì thì làm nấy, hoặc mô hình này đang thịnh hành thì chỉ cần làm theo sẽ sinh lời. Tư duy sáng tạo sẽ giúp đưa ra ý tưởng mới phù hợp với thực tế tại địa phương.

Thứ năm, phát triển DLCĐ phải đảm bảo các yếu tố kinh tế và phi kinh tế để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng; tăng niềm tự hào và gắn kết trong cộng đồng; thúc đẩy bình đẳng giới và giữ chân người trẻ ở cộng đồng.

Thứ sáu, muốn phát triển DLCĐ bền vững phải đảm bảo có sự chia sẻ lợi ích đối với các thành viên trong cộng đồng, kể cả trực tiếp, gián tiếp và cả những người không tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch.

Thứ bảy, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá DLCĐ thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và một số trang mạng xã hội như: phần mềm quản lý du lịch (ứng dụng app), cổng du lịch thông minh, trang thông tin điện tử du lịch... các trang YouTube, Fanpage, Facebook, Zalo chuyên biệt về du lịch. Tuyên truyền thông qua việc tổ chức các sự kiện lễ hội văn hóa, hoạt động thể thao, du lịch của thành phố. Phối hợp, khai thác có hiệu quả các kênh thông tin truyền thông qua cơ quan báo chí để quảng bá.

Thứ tám, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích phát triển DLCĐ như chính sách thuế, chính sách cho vay nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia Đề án có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp.

Thứ chín, các cấp có thẩm quyền nghiên cứu và phát hành cuốn Sổ tay hướng dẫn du lịch cộng đồng làm tài liệu tham khảo cho các địa phương, cho cộng đồng dân cư trong quá trình phát triển DLCĐ.

Thứ mười, để phát triển DLCĐ một cách đồng bộ cần vai trò tư vấn các chuyên gia du lịch vào các dự án phát triển DLCĐ của địa phương.

Tóm lại, yếu tố văn hóa truyền thống có vai trò quan trọng khi tham gia trong xây dựng mô hình phát triển du lịch bền vững, vừa tạo ra giá trị kinh tế vừa đảm bảo an sinh cho cộng đồng. Đồng thời, mô hình này nhằm tạo lập, định hướng và đề xuất giải pháp phát triển các điểm đến DLCĐ thu hút du khách; tạo căn cứ pháp lý để lập kế hoạch, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển DLCĐ, xây dựng cơ chế phối hợp các bên tham gia trong DLCĐ, góp phần phát triển du lịch bền vững; tạo ra công ăn việc làm cho người dân bản địa, vừa giữ gìn, bảo tồn văn hóa địa phương.

_________________________

1, 7, 8, 9. Lê Thị Hiền, Phạm Bích Huyền, Lương Hồng Quang, Nguyễn Lâm Tuấn Anh, Chính sách văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009, tr.7, 76, 76, 78.

2. Esteban T.Magannon, Các cộng đồng văn hóa bản địa ở Philippin: một cái nhìn lịch sử về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các cộng đồng này, Kỷ yếu Hội nghị về sự bảo tồn và phát huy di sản phi vật chất của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Hà Nội, 1994, tr.103-109.

3. Lý Dương, Du lịch dân tộc, researchgate.net.

4. Lương Văn Hy, Nguồn lực văn hóa trong phát triển bền vững: lý thuyết Tây phương và thực tiễm Việt Nam, Tạp chí Văn hóa học, số 3 (37), 2018, tr.29 - 36.

5. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

6. World Commission on Environment and Development (Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển), Our Common Future (Tương lai của chúng ta), Nxb Đại học Oxford, 1987, tr.24.

10. Nguyễn Văn Tình, Chính sách văn hóa trên thế giới và việc hoàn thiện chính sách văn hóa ở Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2009, tr.69.

11. Dẫn theo baco.edu.vn.

12. Tỉnh Vân Nam Trung Quốc - Những điều có thể bạn chưa biết, dulichphuonghoang.vn.

13. Thống kê kinh tế Vân Nam năm 2018, zhuanlan.zhihu.com, dẫn theo tài khoản “old friends in mountains and rivers”, Shanchuan.com, 10-2-2019.

14. Hiệu quả của dự án du lịch cộng đồng tại Đà Bắc, sovanhoa.hoabinh.gov.vn, 29-12-2022.

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Tuấn Anh, Phạm Bích Ngọc, Du lịch cộng đồng - Từ ý tưởng đến thực tiễn (Sách chuyên khảo), Trung tâm nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, Nxb Khoa học xã hội, 2022.

2. Lưu Bách Dũng (chủ biên), Khung thể chế phát triển bền vững của một số nước Đông Nam Á và bài học cho Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.

3. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17-8-2004 về việc ban hành định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam).

(tiếp theo số 548 và hết))

TS HOÀNG THỊ BÌNH - Ths NGUYỄN THỊ HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023

;